Phải làm gì khi nhãn hiệu bị xâm phạm?

Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009);
  • Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
  • Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Các hành vi được coi là xâm phạm nhãn hiệu

Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm

Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ quy định tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP:

  • Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét;
  • Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ;
  • Thứ tư, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Khi bị xâm phạm, phải làm gì?

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn các biện pháp xử lý phù hợp nhất, bao gồm các biện pháp:

  • Biện pháp tự bảo vệ:

Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, các biện pháp này được quy định tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ:
+ Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
+ Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

  • Biện pháp hành chính:

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước áp dụng những biện pháp hành chính như phạt tiền, buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm, tịch thu hàng hóa vi phạm, phương tiện, công cụ sản xuất…

  • Biện pháp dân sự:

Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu khởi kiện ra Toà án để buộc cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm thực hiện :
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
+ Buộc bồi thường thiệt hại;
+ Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

  • Biện pháp hình sự:

Đối với các trường hợp xâm phạm nhãn hiệu quy mô lớn, có dấu hiệu tội phạm xâm phạm về nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng tiến hành xử lý.

  •  Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Thông tin liên hệ:

HDS BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU VIỆT

  • Trụ sở: Phòng 401, tầng 4, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Hotline: (024)36 279 555 - 0914 646 357 - 0901737012
  • Email: contact@hdslaw.vn
  • Website: https://hdslaw.vn/