Hành vi xâm phạm các quyền liên quan đến quyền tác giả

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009;
  • Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
  • Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Quyền liên quan đến quyền tác giả được hiểu như thế nào?

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) theo định nghĩa tại khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả là?

Theo Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi được coi là xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả nếu là một trong các trường hợp sau đây:

  • Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
  • Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
  • Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
  • Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn;
  • Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng;
  • Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;
  • Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình;
  • Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;
  • Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;
  • Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

Căn cứ xem xét hành vi xâm phạm là?

Theo Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP, các hành vi trên chỉ bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:

  • Thứ nhất, đối tượng bị xem xét phải thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Thứ hai, phải có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét;
  • Thứ ba, người thực hiện hành vi xâm phạm quyền liên quan bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Thứ tư, hành vi bị xem xét chỉ xảy ra tại Việt Nam hoặc nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Yếu tố xâm phạm quyền liên quan gồm?

Yếu tố xâm phạm quyền liên quan có thể thuộc một trong các dạng thuộc khoản 2 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP:

  • Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn được tạo ra một cách trái phép;
  • Bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, bản sao chương trình phát sóng được tạo ra một cách trái phép;
  • Một phần hoặc toàn bộ cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị sao chép, trích ghép trái phép; một phần hoặc toàn bộ chương trình phát sóng bị thu, giải mã và phân phối trái phép;
  • Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền liên quan bị vô hiệu hoá trái phép; bản định hình cuộc biểu diễn bị dỡ bỏ hoặc bị thay đổi một cách trái phép thông tin về quản lý quyền liên quan.

Lưu ý: Sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền liên quan.
 

Thông tin liên hệ:

HDS BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU VIỆT

  • Trụ sở: Phòng 401, tầng 4, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Hotline: (024)36 279 555 - 0914 646 357 - 0901737012
  • Email: contact@hdslaw.vn
  • Website: https://hdslaw.vn/