Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Cùng HDS tham khảo nội dung "Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh" qua bài viết sau đây.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009;
  • Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
  • Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Tác phẩm phái sinh là gì?

Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tác phẩm phái sinh có thể hiểu là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Nói cách khác, tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.

Điều kiện để có thể làm tác phẩm phái sinh?

Không có một quy định cụ thể nào về điều kiện có thể trở thành một tác phẩm phái sinh, nhưng từ khái niệm trong Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, tác phẩm phái sinh chỉ được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại. Tác phẩm đã tồn tại có thể còn thời hạn hoặc hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản.

Thứ hai, về hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng. Mặt khác, tác phẩm phái sinh không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Do đó, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.

Thứ ba, về tính nguyên gốc, tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác. Thuật ngữ “tác phẩm khác” được hiểu là kể cả tác phẩm của chính tác giả đó. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, nếu ranh giới giữa sáng tạo từng phần và sáng tạo hoàn toàn là dễ nhận biết, ranh giới giữa sáng tạo tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc là khó nhận biết. Sự xâm phạm này thường thể hiện ở việc xâm phạm quyền nhân thân không thể chuyển giao trong quyền tác giả.

Thứ tư, về dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh, mặc dù tác phẩm phái sinh phải đảm bảo tính nguyên gốc như vừa phân tích, nhưng dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc.

Các vấn đề cần lưu ý khi đăng ký tác phẩm phái sinh?

Theo khoản 2 và 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, một tác phẩm phái sinh sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng đủ hai điều kiện sau đây:

  • Tác phẩm phái sinh không làm phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

Tác phẩm phái sinh phải được hình thành dựa trên một hoặc một vài tác phẩm gốc đã có từ trước. Những tác phẩm gốc này có thể vẫn còn hoặc đã hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản. Tác phẩm phái sinh có thể được sáng tạo mà không cần đến sự đồng ý của tác giả sáng tạo tác phẩm gốc nhưng quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi nó không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Trong nhiều trường hợp, rất khó xác định một hành vi có bị coi là gây phương hại đến quyền tác giả hay không, đặc biệt là đối với những tác phẩm mà tác giả sáng tạo ra tác phẩm gốc đã qua đời.

  • Tác phẩm phái sinh được sáng tạo một cách độc lập.

Cũng như tất cả các tác phẩm khác, tác phẩm phái sinh muốn được bảo hộ thì phải là kết quả của sự độc lập sáng tạo. Tuy nhiên, sự độc lập sáng tạo này khác với tác phẩm gốc ở chỗ có thể khiến người khác liên tưởng đến tác phẩm gốc khi được tiếp cận với tác phẩm phái sinh. Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh cũng chỉ dừng ở mức bảo hộ về mặt hình thức chứ không bảo vệ nội dung và ý tưởng của tác phẩm.

Trên đây là nội dung tư vấn, để tìm hiểu thêm các thông tin về Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh, hãy liên hệ với chúng tôi - HDS BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU qua thông tin liên hệ dưới đây

Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tầng 4, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Hotline: (024)36 279 555 - 0914 646 357 - 0901737012
  • Email: contact@hdslaw.vn
  • Website: https://hdslaw.vn/